Tin tức

CTCP A79 TỔ CHỨC HỘI THẢO “ESG VÀ KIẾN TRÚC XANH – KIẾN TẠO GIÁ TRỊ BỀN VỮNG”

Sáng ngày 16/5, tại trụ sở 108 Nguyễn Trãi, Công ty CP A79 đã chủ trì tổ chức Hội thảo “ESG và kiến trúc xanh – Kiến tạo giá trị bền vững”, nối tiếp sự thành công của Hội thảo “Kiến trúc và Quy hoạch xanh hướng tới đô thị thông minh” được tổ chức vào tháng 4 vừa qua.

ESG là khái niệm gắn liền với bộ ba tiêu chí: Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị doanh nghiệp (Governance), được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Đây cũng là một phạm trù đang được Tập đoàn Alphanam dành sự quan tâm đặc biệt, là chủ đề của Hội nghị Nhân sự Qúy I/2024 với nhiều nội dung mới mẻ và ý nghĩa.

Trong hội thảo lần này của CTCP A79, phạm trù kiến trúc đã được đặt cạnh với ESG để cùng khai phá, chia sẻ những nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa ESG và Kiến trúc; hay cách những kiến trúc sư, kỹ sư và nhà quản lý kiến trúc thực hiện trách nhiệm thực hành ESG tại các dự án thiết kế xây dựng…

Hội thảo “ESG và kiến trúc xanh – Kiến tạo giá trị bền vững” diễn ra với bốn nội dung chính, gồm: 

  • Phần 1: Tổng quan thị trường, bối cảnh thực tiễn bất động sản xanh tại Việt Nam.
  • Phần 2: Công trình Xanh – Kiến trúc Xanh.
  • Phần 3: Trách nhiệm ứng xử của các nhà quy hoạch đối với xã hội và môi trường từ góc độ tư vấn thiết kế quy hoạch.
  • Phần 4: Thảo luận xoay quanh chủ đề.

Đến tham dự Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả: Mr. Vũ Hồng Phong – Chuyên gia Công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC,  Mr. Tim Middleton – Giám đốc thiết kế môi trường bền vững – Công ty Tư vấn Thiết kế Quốc tế Worklounge 03- Vietnam, KTS. Giang Nguyên Hồng Văn – PGĐ phụ trách Quy hoạch CTCP A79.

Về phía Tập đoàn Alphanam và các công ty thành viên có sự hiện diện của: Ms. Nguyễn Ngọc Mỹ – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam, Mr. Bùi Hoàng Tuấn – Thành viên HĐQT Tập đoàn Alphanam, TS.KTS Ngô Trung Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP A79, Mr. Đỗ Đặng Dũng Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á, Ms. Tạ Thị Tin – Phó Ban Cung ứng CTCP Đầu tư Công viên Văn hóa Mường Hoa.

Về phía khách mời có sự góp mặt của đại diện đến từ Trường Đại học Kiến trúc, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật – ĐH Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của đông đảo thành viên là các kiến trúc sư, kỹ sư đến từ CTCP A79.

Ms. Nguyễn Ngọc Mỹ – Phó Chủ tịch HĐQT Alphanam Group

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Ms. Nguyễn Ngọc Mỹ – Phó Chủ tịch HĐQT Alphanam Group cho rằng hội thảo được tổ chức chuyên nghiệp với các diễn giả uy tín cho thấy chủ đề ESG ngày càng có tầm ảnh hưởng. Và tất cả các CBCNV Alphanam cũng đang học hỏi mỗi ngày để góp phần hiện thực hóa hành trình ESG. Trong đó, A79 là đơn vị tiên phong và đang có sự đầu tư, nhìn nhận đúng hướng về tầm ảnh hưởng của ESG đối với tương lai của chính lĩnh vực mình đang hoạt động; song hành tương lai của con người, thiên nhiên và xã hội nói chung.

“Rất hiếm có ngành nghề nào mà bằng bàn tay, khối óc và những nét vẽ của mình có thể thay đổi được môi trường sống, môi trường làm việc, sự tương quan giữa con người và con người… như nghề kiến trúc. Đây vừa là trọng trách của các kiến trúc sư, kỹ sư và cũng là cơ hội để tất cả chúng ta cùng cố gắng làm thế nào để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong việc tạo ra nét chấm phá cho mỗi sản phẩm và kiến tạo những dự án đáng sống. Điều này sẽ giúp chúng ta có thể tự hào với thế hệ sau rằng những đóng góp của mình đã mang lại sự ảnh hưởng tích cực, tạo ra những giá trị bền vững cho dự án, cho địa phương và cả quốc gia”, Ms. Nguyễn Ngọc Mỹ chia sẻ.

Ông Bùi Hoàng Tuấn – Thành viên HĐQT Tập đoàn Alphanam

Có những quan điểm tương đồng với Ms. Nguyễn Ngọc Mỹ, ông Bùi Hoàng Tuấn – Thành viên HĐQT Tập đoàn Alphanam cho rằng không phải ngẫu nhiên mà A79 chủ trì cho sự kiện ESG và kiến trúc xanh, vì những bước đầu tiên để hình thành một công trình bắt nguồn từ những công việc như A79 đang thực hiện – đưa ra các ý tưởng thiết kế.

Mr. Vũ Hồng Phong – Chuyên gia Công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC

Trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững hay ESG, chứng nhận EDGE (viết tắt từ Excellence in Design for Greater Efficiencies) được phát triển bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC được xem là một trong chứng nhận tạo ra sự khác biệt cho các công trình xây dựng. Khi công trình Xanh khi được thiết kế tốt từ ban đầu, định lượng theo các tiêu chuẩn xanh, sẽ mang lại giá trị cao hơn, giảm chi phí vận hành và gia tăng khả năng chuyển nhượng.

Tại nội dung chia sẻ về thị trường, bối cảnh thực tiễn bất động sản xanh tại Việt Nam, Mr. Vũ Hồng Phong – Chuyên gia Công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC –  đơn vị đã phát triển và xây dựng tiêu chuẩn EDGE đã có những chia sẻ thú vị về các nội dung liên quan đến EDGE.

Theo chia sẻ của Mr Vũ Hồng Phong, quy trình chứng nhận Chứng chỉ EDGE bắt đầu ngay từ giai đoạn thiết kế bằng việc nhập thông số dự án vào phần mềm EDGE và lựa chọn các giải pháp Xanh. Dự án đạt tiêu chuẩn EDGE phải cải thiện được ít nhất 20% mức tiêu thụ năng lượng, nước, vật liệu so với công trình điển hình tại tỉnh/thành phố đó. Nếu đạt được mức cải thiện này thì dự án sẽ đủ điều kiện để đăng ký cấp chứng chỉ.

Công trình nhà ở nhận được chứng chỉ EDGE thu hút những khách hàng bởi những ngôi nhà Xanh đem lại giá trị lâu dài. Những công trình này sẽ giảm chi phí điện nước, đồng thời giữ được giá nhà khi bán lại. Về thực tế, Chung cư và bất động sản công nghiệp là những công trình làm công trình xanh nhiều nhất. Hiện nay, thị trường bất động sản cạnh tranh, các chủ đầu tư đang nỗ lực hết mình để xây dựng nên những công trình Xanh bền vững.

Mr .Tim Middleton – Giám đốc thiết kế môi trường bền vững thuộc Công ty tư vấn thiết kế Worklounge 03- Vietnam

Tiếp nối Hội thảo là phần chia sẻ của diễn giả Mr. Tim Middleton – Giám đốc thiết kế môi trường bền vững thuộc Công ty tư vấn thiết kế Worklounge 03- Vietnam. Đây là công ty tư vấn thiết kế kiến trúc quốc tế có trụ sở tại Việt Nam, một công ty rất coi trọng việc áp dụng các nguyên tắc xây dựng xanh; đồng thời cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn EDGE cùng với kiểm toán và chứng nhận EDGE.

Trong phần chia sẻ của mình, Mr. Tim Middleton nhiều lần nhắc đến khái niệm “thiết kế thụ động” như một giải pháp tối ưu cho các công trình xanh. Đó là việc thiết kế tận dụng các điều kiện thuận lợi của khí hậu để duy trì phạm vi tiện nghi nhiệt trong nhà. Thiết kế thụ động tốt sẽ làm giảm, loại bỏ sự cần thiết làm mát hoặc sưởi ấm, từ đó giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong suốt vòng đời của công trình. 

Nguyên tắc để có một giải pháp thiết kế thụ động gồm: Xem xét về khí hậu; Chọn hướng và vị trí, thiết kế thông thoáng tự nhiên; Tính toán vỏ bọc kiến trúc để ngăn nhiệt; Tìm kiếm vật liệu thích hợp; Tính toán lấy sáng và ngăn sáng qua cửa sổ; Che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào căn nhà; Tận dụng ánh sáng tự nhiên.

KTS Giang Nguyên Hồng Văn – Phó GĐ phụ trách Quy hoạch Công ty A79

Trong khi đó, dưới góc độ một nhà tư vấn thiết kế nên có trách nhiệm như thế nào đối với xã hội và môi trường trong các dự án thiết kế, KTS Giang Nguyên Hồng Văn – Phó GĐ phụ trách Quy hoạch Công ty A79 đã có những chia sẻ thực tế tại Hội thảo.

KTS Giang Nguyên Hồng Văn cho rằng những yếu tố cấu thành ESG trong quy hoạch cũng dựa trên ba tiêu chí là Môi trường, Xã hội và quản trị. Trong đó, môi trường sẽ bao gồm các yếu tố: Ứng phó với biến đổi khí hậu, Tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu Carbon; Quản lý chất thải và tiết kiệm nước; Đa dạng sinh học; Kiến trúc xanh.

Tiêu chí xã hội được thể hiện ở các yếu tố như cân đối cung cầu nhà ở, quyền lợi và lợi ích của người dân, tính đa dạng tiếp cận và hòa nhập cộng đồng, môi trường sống an toàn và tin cậy, hệ thống hạ tầng và mạng lưới giao thông tích hợp. Tất cả những yếu tố trên được cần được áp dụng một cách hài hòa nhằm hướng tới thành phố đáng sống.

Để minh họa thực tế về việc A79 đã làm được gì trong việc áp dụng ESG vào quy hoạch, KTS Giang Nguyên Hồng Văn đã đưa ra ví dụ thực tiễn tại dự án Khu đô thị mới Đường tỉnh 927C, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang – một dự án mà Tập đoàn Alphanam đang tham gia đầu tư. Theo đó, đây là khu vực có những đặc thù về địa lý và xã hội như nhiều hệ thống mặt nước dày đặc, không gian cư dân hiện hữu… 
Theo đó, A79 đã đưa ra các giải pháp tối ưu để hài hòa những giá trị hiện hữu với giá trị hình thành trong tương lai, tiêu biểu như: Mở rộng, cải tạo các tuyến đường ven sông – kiểm soát phát triển dân cư tránh lấn chiếm lòng sông; Áp dụng mô hình đô thị bọt biển giúp làm mát thành phố vào mùa hè, giảm tình trạng ngập lụt trong thành phố; Kiểm soát chặt chẽ về mật độ xây dựng ,tầng cao và sử dụng đất đai đối với khu dân cư hiện trạng chỉnh trang nhằm bảo vệ không gian xanh ven sông cũng như gìn giữ hình ảnh đô thị vườn ven sông…

Tại phần thảo luận, nhiều câu hỏi đặt ra từ phía các khách mời tham dự, điển hình như câu hỏi liên quan đến danh sách những vật liệu xây dựng đạt chứng chỉ xanh của đại diện chủ đầu tư – Ms. Tạ Thị Tin, Phó Ban Cung ứng CTCP Đầu tư Công viên Văn hóa Mường Hoa; hay câu hỏi của Mr. Đặng Việt An – PGĐ Cơ điện CTCP A79 về Passive Design… đã được các diễn giả giải đáp đầy đủ và chi tiết.

Khép lại Hội thảo, TS.KTS Ngô Trung Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP A79 đã có những chia sẻ tổng kết chương trình và cảm ơn các diễn giả chính của chương trình.

“Tôi tin rằng sẽ có nhiều người sẽ đặt câu hỏi với chính mình về việc đóng vai trò gì trong câu chuyện ESG, cũng như trong trách nhiệm để tạo ra những công trình đạt EDGE hoặc ESG. Tưởng chừng quy hoạch là mênh mông nhưng thực chất nó là trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội. Việc làm công trình xanh rất tốn kém nên không phải chủ đầu tư nào cũng chịu chơi. Nhưng thông qua những công trình xanh này sẽ giúp gia tăng uy tín, được nhiều khách hàng lựa chọn hay được ngân hàng hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp… thì đó chính là những cái lợi. 

Và ở Alphanam, từ kiến trúc của một “Step House” giành giải thiết kế quốc tế lớn nhất thế giới, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đã có ý tưởng cho khách sạn tại Dự án Công viên văn hóa Mường hoa theo concept cánh hóa rơi với mong muốn mọi không gian trong khách sạn sẽ hòa mình với thiên nhiên; từ góc ăn sáng, phòng ngủ, khu sinh hoạt cộng đồng đều hòa cùng nắng gió thiên nhiên”.

Tổng kết Hội thảo, TS.KTS Ngô Trung Hải đã đưa ra một câu đúc kết đầy ý nghĩa: Giá trị của công trình xanh không phải là sự tận dụng tối đa diện tích, mà là một công trình có thiết kế hướng tốt nhất, thiết kế để giảm chỉ số tiêu thụ điện một cách tốt nhất… nhằm kiến tạo những giá trị bền vững. Và câu chuyện ESG cần phải được thấm nhuần hàng ngày, bắt đầu từ những hành động nhỏ. Với tất cả mọi người và đặc biệt là những kiến trúc sư cần phải thực sự yêu thiên nhiên, “xanh” từ suy nghĩ thì sẽ có những hành động xanh, sản phẩm xanh”.

Nguồn: https://alphanamfamily.com/ctcp-a79-to-chuc-hoi-thao-esg-va-kien-truc-xanh-kien-tao-gia-tri-ben-vung/

Tin tức liên quan